Chủ tịch Vietravel: Chính sách cho phát triển du lịch đã lạc hậu?

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, mặc dù Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao về nguồn tài nguyên phát triển du lịch nhưng do những hạn chế trong chính sách và quản lý nên ngành du lịch của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm CEO của Công ty lữ hành Vietravel
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm CEO của Công ty lữ hành Vietravel)

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty lữ hành Vietravel, đồng thời cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội văn hoá ẩm thực Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính tạo nên thực trạng ngành du lịch Việt Nam phát triển không tương xứng với tiềm lực chính bởi sự lạc hậu của các chính sách quy hoạch – phát triển – đầu tư cho ngành du lịch.

Chủ tịch Vietravel đang rất mong ngóng ngày Chính phủ ban hành một một chính sách mới cho ngành du lịch phù hợp với thời cuộc hơn.

Việt Nam có thể trở thành cường quốc du lịch của thế giới hay không?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Tất nhiên là có thể vì về mặt tiềm năng – lợi thế phát triển du lịch, Việt Nam chắc chắn đứng trong top đầu thế giới.

Kết quả khảo sát trên 139 quốc gia từ tổ chức World Travel Awards (WTA) cho thấy: về tiềm năng du lịch, Việt Nam đứng thứ 24 thế giới. WTA đã đo trên 30 thông số để cho ra kết quả, trong đó có những thông số như tài nguyên thiên nhiên, địa lý, khí hậu, văn hoá, lịch sử…

Chính bản thân chúng ta cũng nhận thấy, Việt Nam có rất nhiều lợi thế như điều kiện tự nhiên đa dạng – phong phú: có khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới, núi cao – biển sâu – đảo xinh đẹp, hệ thống hang động độc đáo – tráng lệ…; văn hoá – lịch sử đa sắc với các di chỉ thời tiền sử, nền văn minh và văn hoá lúa nước, sự giao thao của nhiều vùng văn hoá, như Bắc – Nam, Đông – Tây.

Việt Nam còn là trung tâm của cả vùng châu Á, là cánh cửa nhìn ra biển Đông – Thái Bình Dương. Nhiều nước trong khu vực châu Á, ví dụ như ở ASEAN, xét về tài nguyên phát triển du lịch xếp dưới Việt Nam rất xa!

Từ thực tế kinh doanh du lịch lữ hành nhiều năm qua, ông nhận thấy Việt Nam đã khai thác những tiềm năng đó như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Hiện tại, bản quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2030 đã lạc hậu và hiện đang được xây dựng mới.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị vừa ban hành thì Chính phủ sẽ phát triển du lịch, đưa nó trở thành thành trung tâm – mũi nhọn phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, điều đó đồng nghĩa với việc bắt buộc chúng ta phải xây dựng lại toàn bộ chiến lược quy hoạch và phát triển du lịch Việt Nam.

Quy hoạch mới này đang được triển khai và theo tôi nghĩ, trong năm nay hoặc năm tới sẽ được thông qua.

Trong thời gian vừa qua, do chưa có quy hoạch đúng nên việc khai thác các tài nguyên du lịch không đồng đều – tự phát và thậm chí còn lãng phí; điều này gây hệ lụy lớn cho tương lai phát triển sau này, bởi vài thứ có thể không sửa chữa được.

Vì thế, theo tôi, quy hoạch mới phải được thông qua càng sớm càng tốt, nhằm đảm bảo tập hợp được nguồn lực, trí tuệ quốc gia và không lãng phí thêm tài nguyên.

Theo ông, trong những lợi thế sẵn có, chúng ta đang khai thác tài nguyên nào tốt nhất?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Chúng ta đang khai thác tự nhiên là tốt nhất, tức là có cái gì thì dùng cái đó. Ví dụ, các tỉnh vùng ven duyên hải ai cũng tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, tuy nhiên, hầu hết địa phương đều chỉ khai thác đến mép biển gây lãng phí tài nguyên.

Cũng như tôi đã nói ở trên, do chưa có quy hoạch tổng thể, nên tài nguyên chúng ta khai thác tốt nhất vẫn… chưa tốt.

Thứ nhất, các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển ở các tỉnh đang cạnh tranh lẫn nhau. Thứ hai, các tỉnh chỉ khai thác đến mép biển, mà chưa tính đến mặt biển và dưới lòng biển; khai thác biển cho du lịch là phải khai thác ở cả 3 không gian. Chúng ta cần phải quy hoạch lại tất cả, từ phương tiện khai thác, quản lý ô nhiễm, môi sinh, cách bảo vệ tầng đáy… để đảm bảo tài nguyên biển phát triển bền vững.

Vừa qua, việc vịnh Phang Nga và Maya của Thái Lan phải đóng cửa không phải chỉ do ô nhiễm trên bờ mà còn dưới mặt biển, chúng đã bị ô nhiễm toàn bộ! Vì thế, bản thân chúng ta cũng đang lãng phí tài nguyên theo hình chữ S.

Theo ông, vật cản lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam ở thời điểm hiện tại là gì?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Theo tôi, vẫn là chính sách, chính sách của chúng ta đang đứng ngoài top 100 của thế giới về phát triển du lịch và đứng cuối cùng Đông Nam Á, dưới cả Lào và Campuchia.

Với định hướng của Nghị quyết 08, Chính phủ cần nhanh chóng giải quyết vấn đề quy hoạch, phải luật hoá, lượng hoá và tóm gọn, định vị được hàm lượng mà nhà nước đầu tư cho du lịch để biến nó trở thành mũi nhọn. Chúng ta nên tập trung xây dựng phần quan trọng nhất nhưng lạc hậu nhất đó là “cơ chế – chính sách”.

Nhà nước có thể không đầu tư nhiều tài chính, song nhất định phải tạo ra được cơ chế – chính sách – môi trường tốt cho ngành du lịch.

Tôi biết, cơ chế chính sách không phải là thứ có thể đưa ra trong một sớm một chiều, nhưng nếu đã chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì Nhà nước phải ưu tiên đầu tư trước, phải ra chính sách sớm cho nó; có thể không nhanh nhưng cũng không thể lâu, vì xung quanh người ta đã làm xong chuyện đó.

Trong khu vực Đông Nam Á, chính sách về phát triển du lịch của nước nào là tốt nhất, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Chính sách của cả 9 nước còn lại đều đã rất tốt. Tôi lấy một ví dụ: chúng ta đã có một sáng kiến tại hội nghị Du lịch 5 quốc gia trong Triển lãm du lịch quốc tế năm 2010 là “5 quốc gia 1 điểm đến”.

Cụ thể: nếu 1 người có visa vào 1 trong 5 nước Việt – Lào – Campuchia – Việt Nam – Myanmar, thì đương nhiên được vào 4 nước còn lại. Sau khi chúng ta đưa sáng kiến – mọi người ký kết và tất cả về nước thực hiện hết, trừ Việt Nam!

Do chính sách của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ nên chúng ta không thể thực hiện được sáng kiến do chính mình đưa ra.

Du lịch chính là kinh doanh kinh tế thượng tầng và dựa vào hạ tầng để phát triển. Mỗi nước có một thế mạnh khác nhau nhưng quan trọng nhất là họ xác định và đầu tư được cho du lịch. Ví dụ như Singapore, đảo quốc này rất ít tài nguyên du lịch nhưng họ quy hoạch du lịch cực kỳ tốt đến nỗi có thể biến cái ‘không’ thành ‘có’.

Về quảng bá du lịch, có thể thấy những quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines… làm rất tốt, họ luôn thực hiện chiến dịch quảng bá đồng bộ chung cho cả nền du lịch quốc gia trên nhiều kênh quốc tế uy tín. Còn Việt Nam thì sao thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Về quảng bá du lịch, Việt Nam cũng đứng ở top cuối các nước trong khu vực. Người ta hay nói về kinh phí quảng bá nhưng nó chỉ là một phần, dĩ nhiên kinh phí thấp sẽ không làm được, nhưng quan trọng nhất vẫn là chiến lược xúc tiến – quảng bá như thế nào mà Việt Nam hoàn toàn không có chiến lược.

Thỉnh thoảng, cũng có một vài sự cố gắng quảng bá từ các địa phương nhưng đó không phải là hình ảnh quốc gia. Việc quảng bá hình ảnh quốc gia là trách nhiệm của Bộ Văn hoá thể thao và du lịch.

Nếu ví nền du lịch quốc gia là một bức tranh thì mỗi cá nhân – doanh nghiệp – địa phương chỉ là một mảnh ghép trong đó. Nếu anh có chiến lược – kế hoạch xúc tiến quảng bá tốt, anh có thể tận dụng thế mạnh của mỗi mảnh ghép để ghép lại thành một bức tranh đẹp.

Trong tương lai, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần phải làm gì để cùng với Chính phủ, xây dựng nên một ngành du lịch phát triển hơn?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Đầu tiên, các doanh nghiệp cần xác định được thị trường chính của mình, để vừa có thể kinh doanh tốt vừa khai thác được thế mạnh của Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Thứ hai, doanh nghiệp cần xác định sản phẩm chủ lực của mình, khiến không những bán được cho khách mà còn có khả năng kết nối trong hệ thống chung. Thứ ba, doanh nghiệp nên tự đào tạo nguồn nhân lực nhằm tăng tính cạnh tranh trong khu vực, vì tỷ lệ nhân lực đã trải qua đào tạo của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn thấp, dưới 20%.

Mỗi doanh nghiệp ngoài mục tiêu kinh doanh cần có trách nhiệm xã hội là phải xúc tiến – quảng bá, đóng góp vào sự phát triển chung của nền du lịch Vệt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: theleader.vn