Trong danh sách top 10 người giàu trên sàn chứng khoán Việt, tỷ phú Nam Định Hồ Xuân Năng hiện đứng ở vị trí thứ 10, với khối tài sản hơn 7 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, tính đến thời điểm ngày 28/5/2019, ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Vicostone (VCS) – giữ vị trí thứ 10 trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Cùng tìm hiểu thông tin về doanh nhân giàu có này nhé!
Tiểu sử Hồ Xuân Năng
Ông Hồ Xuân Năng sinh năm 1964 tại Nam Định, là Tiến sỹ kỹ thuật. Ông từng giữ vị trí Thư ký chủ tịch HĐQT Tổng công ty (TCT) Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex, trước khi được giao làm Giám đốc một công ty con quy mô nhỏ của TCT này – chính là Vicostone.
Vicostone được thành lập từ cuối 2002 theo quyết định của Chủ tịch HĐQT Vinaconex để thực hiện đầu tư dự án dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone).
Lĩnh vực hoạt động chính của Vicostone là sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton S.P.A (Ý).
Ngoài ra, ông Năng cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Style Stone và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị.
Thời điểm ông Năng tiếp nhận Vicostone, công ty đang đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng chính nhờ sự thông minh, nhạy bén và tài quản lý của mình, ông Năng đã “nâng tầm” Vicostone từ một công ty nhỏ thành công ty có quy mô lớn hơn nhiều công ty mẹ ngày hôm nay.
Về phần công ty Vicostone , với hệ thống các đại lý phân phối trên toàn cầu, sản phẩm của Vicostone đã hiện diện tại khắp các châu lục, cung cấp ra thị trường hàng triệu m2 mỗi năm và là một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Trong đó, 3 thị trường khắt khe bậc nhất thế giới là Bắc Mỹ, châu Úc, châu Âu là những thị trường mang lại doanh thu chính cho Vicostone.
Năm 2018, Vicostone đạt doanh thu 4.564 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.318 tỷ đồng, lần lượt thực hiện được 85% kế hoạch về doanh thu và 97% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Quá trình công tác doanh nhân Hồ Xuân Năng
-Từ ngày 12 tháng 06 năm 2014 : Chủ tịch HĐQT – TGĐ CTCP Vicostone;
– Từ ngày 18 tháng 04 năm 2013 đến 15/12/2016 : Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đá thạch anh cao cấp VCS
– Từ ngày 18 tháng 04 năm 2013 đến ngày 12 tháng 06 năm 2014 : Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vicostone;Từ ngày 18 tháng 04 năm 2013 đến ngày 12 tháng 06 năm 2014 : Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vicostone
– Từ tháng 03 năm 2007 đến tháng 04 năm 2013 : Bí thư Đảng Ủy – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần đá ốp lát cao cấp VINACONEX
– Từ ngày 07 tháng 04 năm 2009 đến ngày 09 tháng 04 năm 2012 : Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đá ốp lát cao cấp Vinaconex
– Từ tháng 01 năm 2007 đến tháng 03 năm 2007 : Bí thư Đảng Ủy – Giám đốc Công ty cổ phần đá ốp lát cao cấp VINACONEX.
– Từ tháng 01 năm 2005 đến tháng 01 năm 2007 : Bí thư chi bộ – Giám đốc Công ty Cổ phần đá ốp lát cao cấp VINACONEX.
– Từ tháng 07 năm 2004 đến tháng 12 năm 2004 : Bí thư chi bộ – Giám đốc Nhà máy đá ốp lát cao cấp VINACONEX.
– Từ tháng 02 năm 2001 đến tháng 06 năm 2004 : Phó Chánh văn phòng kiêm thư ký Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VINACONEX.
-Từ tháng 01 năm 1999 đến tháng 01 năm 2001 : Thư ký Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Tổng công ty VINACONEX.
– Từ tháng 12 năm 1996 đến tháng 01 năm 1999 : Nghiên cứu viên (Viện cơ điện nông nghiệp), Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD – Việt Nam – Hải Dương.
– Từ tháng 02 năm 1992 đến tháng 12 năm 1996 : Cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).
– Từ tháng 04 năm 1987 đến tháng 12 năm 1991 : Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật tháng 1/1992.
– Từ tháng 10 năm 1986 đến tháng 03 năm 1987 : Ôn thi chuyển tiếp nghiên cứu sinh.
– Từ tháng 12 năm 1981 đến tháng 05 năm 1986 : Sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Tài sản doanh nhân Hồ Xuân Năng
Tổng tài sản trên sàn của ông Hồ Xuân Năng hiện là 7.628 tỷ đồng. Số tài sản này có được từ việc trực tiếp sở hữu 5.685.794 cổ phiếu VCS và gián tiếp sở hữu 115.200.000 cổ phiếu VCS thông qua qua CTCP Phượng Hoàng Xanh (Phenikaa).
Phenikaa là công ty riêng do vợ chồng ông Hồ Xuân Năng sở hữu, trong đó ông Năng nắm giữ 90% vốn và vợ ông bà Phạm Thị Thu Hằng nắm giữ 9%.
Sợ danh tỷ phú USD, đại gia Hồ Xuân Năng âm thầm tung chiêu lạ
CTCP Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2018 với doanh thu đạt mức kỷ lục gần 1,2 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Vicostone của đại gia Hồ Xuân Năng ghi nhận kết quả khá ấn tượng bất chấp chịu ảnh hưởng từ khoản lỗ tỷ giá hơn 10 tỷ đông.
Tính trong 6 tháng, Vicostone ghi nhận lợi nhuận trước thuế 605 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cho dù có kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng cổ phiếu VCS của Vicostone giảm mạnh trong hơn 4 tháng qua, bốc hơi khoảng 40%, từ đỉnh cao 140.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) xuống còn 88.000 đồng/cp như hiện tại.
Nó khiến túi tiền của Chủ tịch HĐQT Vicostone Hồ Xuân Năng sụt giảm. Ông Năng trực tiếp và gián tiếp sở hữu khoảng 120 triệu cổ phiếu VCS. Do vậy, ở vào thời điểm đỉnh cao, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá gần 17 ngàn tỷ đồng (khoảng 740 triệu USD).
Nhưng, ở vào thời điểm hiện tại (tính tới hết 21/7), khối tài sản của ông Hồ Xuân Năng còn khoảng 10,6 ngàn tỷ đồng (460 triệu USD). Tính ra, túi tiền của ông Năng đã giảm khoảng 280 triệu USD.
Trước đó, trong năm 2017, cổ phiếu VCS của Vicostone tăng dữ dội gấp thêm 2,5 lần khiến ông Hồ Xuân Năng nổi bật hơn bao giờ hết. Ông chủ của một doanh nghiệp “con cháu” của Tổng công ty CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (VCG) bất ngờ vượt qua rất nhiều doanh nhân và trở thành người giầu thứ 5 trên TTCK, với túi tiền 600 triệu USD.
Cổ phiếu VCS ghi nhận đỉnh cao 140.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) vào đầu tháng 4/2018, khi chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán (TTCK) ở đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Hồ Xuân Năng khi đó lọt top 5 người giàu nhất trên TTCK là một trong những ứng cử viên có thể trở thành tỷ phú USD tiếp theo tại Việt Nam, sau những tỷ phú USD đã được ghi nhận như: Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long, Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang.
Mặc dù tại ĐHCĐ 2018 ông Hồ Xuân Năng cho biết, ông không bao giờ mong muốn có mặt trong danh sách tỷ phú đô la, nhưng ông trùm đá ốp lát này vẫn âm thầm có những hành động trợ giá cổ phiếu.
Sau khi Vicostone bay gần 50% giá trị từ vùng đỉnh, doanh nghiệp này đã đăng ký mua vào 1,6 triệu cổ phiếu quỹ để trợ giá. Ông Hồ Xuân Năng cũng đăng ký mua 1,65 triệu cổ phiếu VCS trong khoảng thời gian từ 13-31/7/2018.
Ông Hồ Xuân Năng được xem là một trong những doanh nhân có tốc độ giàu nhanh hàng đầu trên TTCK Việt Nam sau khi CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) của doanh nhân này thâu tóm thành công Vicostone và ổn định lại hoạt động của doanh nghiệp này sau nhiều năm lục đục trong HĐQT.
Cuối năm 2014, ông Hồ Xuân Năng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vicostone công bố sở hữu 90% vốn điều lệ công ty mẹ Phenikaa, qua đó trở thành người có quyền lực lớn nhất tại cả Phenikaa và Vicostone. Đây là thương vụ M&A kinh điển nhất Việt Nam năm 2014, khi lãnh đạo công ty con thâu tóm ngược công ty mẹ.
Năm 2018, Vicostone đặt mục tiêu đạt 5.290 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 20% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.355 tỷ đồng, tăng 20,4%.
Tại ĐHCĐ 2018, Vicostone cho biết sẽ phải đối mặt với những đối thủ sử dụng công nghệ của Trung Quốc có chi phí đầu vào rẻ hơn. Các đơn vị từ Trung Quốc có được tiến bộ công nghệ nhất định. Sự tham gia của các đối thủ này có thể sẽ gây nhiễu loạn trên thị trường, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Nhưng ông Hồ Xuân Năng cũng cho rằng, kinh nghiệm là điều quan trọng hơn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn khá lớn. Trong phiên 20/7, hai cổ phiếu lớn Sabeco (SAB) của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi và VietJet (VJC) của nữ tỷ phú USD Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo bất ngờ bị bán tháo ở phút chót.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán hồi phục khá ấn tượng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng tập trung mã Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Khối ngoại bán ròng hơn 350 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch 20/7, VN-index giảm 10,58 điểm xuống 933,39 điểm; HNX-Index tăng 2,03 điểm lên 107,62 điểm. Upcom-Index giảm 0,03 điểm xuống 50,59 điểm. Thanh khoản đạt 260 triệu cổ phần. Giá trị đạt hơn 5,7 ngàn tỷ đồng.
Giấc mơ lớn của doanh nhân Hồ Xuân Năng
(ĐTCK) Trong tiếng vĩ cầm du dương chào mừng sự thành công của buổi lễ ra mắt Viện Nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI) và Viện Nghiên cứu tiên tiến Thành Tây (TIAS), ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa quả quyết, nhất định ông và các cộng sự sẽ gây dựng được cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo đại học có chất lượng quốc tế.
Đầu tư vào mảng đào tạo và nghiên cứu, nuôi giấc mơ Việt Nam sẽ có những công trình khoa học tầm cỡ thế giới, song Phenikaa khá kín tiếng về những lĩnh vực mới này, nên trong suy nghĩ củakhông ít nhà đầu tư dường như vẫn có sự nhầm lẫn giữa Tập đoàn mẹ Phenikaa và Công ty con Vicostone (mã chứng khoán VCS)
Chọn con đường khó
Đầu tư vào mảng giáo dục đại học không phải là cảm hứng nhất thời của ông Năng, mà là tâm huyết ấp ủ trong nhiều năm qua của vị doanh nhân này.
Khi được Tổng công ty Vinaconex điều về Vicostone như một niềm hy vọng cuối cùng khi Công ty bên bờ vực phá sản, ông Năng đã bẻ hướng, thay đổi hoàn toàn chiến lược sản phẩm, thị trường của Vicostone, từ sản xuất hàng tiêu thụ trong nước sang làm hàng cao cấp, xuất khẩu toàn bộ. Từ con số 0 tròn trĩnh, đến nay thương hiệu Vicostone nằm trong Top 4 nhà sản xuất đá thạch anh lớn nhất thế giới. Tập đoàn Phenikaa sở hữu thương hiệu Vicostone với 5 dây chuyền đạt công suất 2.500.000 m2/năm.
Trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp thành công, nhưng vốn là dân nghiên cứu khoa học (ông Năng là tiến sỹ trẻ nhất Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1991), Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa vẫn luôn trăn trở với ước mơ làm khoa học và giáo dục đào tạo thủa nào. Theo ông Năng, đây chính là cách Phenikaa hướng tới sự phát triển bền vững, đồng thời thể hiện trách nhiệm với xã hội: “Tôi thấy mình cần phải làm được gì đó có ích cho xã hội” ông cho biết.
Năm 2008 – 2009, khi Vicostone bắt đầu phát triển mạnh, ông Năng đã có ý định đầu tư vào một trường đại học, nhưng rồi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, Công ty lại đang đầu tư vào thị trường Mỹ, ông đành gác lại dự định. Năm 2015 – 2016, ông mua được 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây và đến cuối năm 2017 nắm cổ phần chi phối trường đại học này. Giống như Vicostone trước đây, Đại học Thành Tây dưới thời ông Năng được “bẻ lái” sang một con đường hoàn toàn mới.
Từ một cơ sở đào tạo đã hoạt động chục năm, với nhân sự và cách thức vận hành theo hướng dạy nghề (hướng đào tạo khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam), Đại học Thành Tây được phát triển theo định hướng mới với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
TIAS, Viện nghiên cứu khoa học cơ bản trực thuộc Trường Đại học Thành Tây được thành lập, đã tập hợp nhiều nhà khoa học có năng lực, triển khai xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh, hoạt động theo mô hình của các trường đại học hàng đầu trên thế giới, đóng vai trò là nền tảng cho các khoa của trường.
Các khoa được tổ chức theo các nhóm nghiên cứu, tùy theo chỉ tiêu tuyển sinh, sẽ có số lượng giảng viên khác nhau, trong đó sẽ có các vị trí giáo sư (khoảng 5 – 7 vị trí giáo sư trong một khoa). Mỗi giáo sư sẽ đảm nhiệm một hướng nghiên cứu và có nhóm nghiên cứu riêng, bao gồm các tiến sĩ, nghiên cứu sinh và sinh viên.
Mô hình tập trung vào các nhóm nghiên cứu không chỉ giúp tăng cường chất lượng công bố quốc tế, đào tạo chuyên sâu hơn cho sinh viên, từ đó nâng cao xếp hạng trường Đại học, mà còn khắc phục được những tồn tại cố hữu của cách tổ chức các khoa phân chia theo bộ môn.
Đó là tình trạng bộ môn nào cũng muốn giữ môn học, thời lượng tiết học của bộ môn mình tối đa khiến cho chương trình giảng dạy trở nên cứng nhắc, khó thay đổi.
Cách tổ chức mới này cho phép nhóm nghiên cứu cập nhật chương trình đào tạo chuẩn đầu ra quốc tế và tùy biến theo sự thay đổi định hướng của các ngành công nghiệp một cách nhanh chóng, tăng cơ hội tìm việc làm và thích nghi với yêu cầu thực tiễn cho sinh viên.
Theo chia sẻ của ông Hồ Xuân Năng, Trường Đại học Thành Tây sẽ phát triển theo định hướng trở thành trường đại học nghiên cứu trình độ cao, từng bước hội nhập hệ thống đại học khu vực và thế giới.
Để làm được điều đó, nhà trường sẽ mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các hướng nghiên cứu về công nghệ tiên tiến, có khả năng chuyển giao cho doanh nghiệp một cách hiệu quả; khuyến khích cán bộ, giảng viên nỗ lực trong công tác nghiên cứu, đa dạng hóa các loại hình nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học.
Với nguồn lực dồi dào của Phenikaa, Đại học Thành Tây sẽ được đầu tư bài bản theo các phong cách quản trị và vận hành hiện đại trên thế giới, để theo đuổi mục tiêu đã đặt ra.
Nói về tầm nhìn dài hạn của Phenikaa trong công cuộc này, ông Hồ Xuân Năng chia sẻ: “Khi đầu tư vào đại học, điều quan trọng là phải xác định mình muốn cái gì trong tương lai. Nếu chỉ nghĩ từ 3 – 5 năm để có nguồn thu, thì tôi thừa sức làm được. Nhưng tạo ra một trường đại học có tầm vóc là một chuyện khác, đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Và bài toán tài chính không phải là vấn đề lớn đối với Tập đoàn Phenikaa. 5 năm đầu là thời điểm chúng tôi xây dựng cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực và đầu tư các trang thiết bị nghiên cứu cho các nhà khoa học làm việc. 5 năm đầu không có lãi, nhưng dứt khoát năm thứ 6 trở đi phải có lãi để đầu tư quay trở lại và phát triển tiếp”.
Giấc mơ mới
Nếu như TIAS thực hiện các nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển các công nghệ nguồn thì PRATI tập trung thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khoa học và kỹ thuật khác.
Viện PRATI đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước trong việc tiến hành các nghiên cứu đổi mới phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các công nghệ thích hợp.
PRATI và TIAS sẽ tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng, cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao như khoa học cơ bản, ứng dụng, công nghệ vật liệu (polyme, nano, gốm), tự động hóa, cơ điện tử, điện tử, điện tử hữu cơ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, khoa học y, sinh, dược, nông nghiệp…
Khởi đầu với sự hội tụ và chung tay của trên 50 nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, PRATI và TIAS có cơ sở để trở thành địa chỉ thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến làm việc, hợp tác nghiên cứu, nhằm tạo ra các ý tưởng khoa học, sáng tạo công nghệ và sản phẩm mới.
PRATI và TIAS đều có ba hội đồng khoa học, một hội đồng quốc tế độc lập, gồm những nhà khoa học Việt kiều và nước ngoài. Riêng PRATI có cả những doanh nhân của các tập đoàn công nghệ từ Đài Loan (Công ty TNHH Công nghệ Syskey), Pháp (Tập đoàn HORIBA), Hàn Quốc (Effucel Inc) và hai hội đồng khoa học, gồm những nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài tập đoàn.
Thời điểm chín muồi
Hiện chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam còn hạn chế, trong khi nhu cầu của người Việt mong muốn học trường đại học chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế mà không phải đi du học vẫn rất lớn.
Hơn nữa, nhiều nhà khoa học Việt Nam tài năng ở nước ngoài và cả trong nước muốn trở về và tìm kiếm một nơi có điều kiện làm việc tốt. “Trong điều kiện như vậy, đây chính là thời điểm thích hợp để đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu khoa học.”, ông Năng nói.
Với chiến lược “lấy sản xuất công nghiệp là kinh doanh cốt lõi, vật liệu sinh thái và sản phẩm công nghệ cao là mũi nhọn, tăng dần tỷ trọng tham gia chuỗi cung ứng cho các sản phẩm công nghệ cao”, Phenikaa dưới sự chèo lái của doanh nhân Hồ Xuân Năng đang đi đúng lộ trình phát triển bền vững.
Thành công của Tập đoàn Phenikaa với thương hiệu Vicostone là cơ sở để ông Hồ Xuân Năng cùng các cộng sự của mình có niềm tin vững chắc về tương lai của Trường Đại học Thành Tây và hai Viện nghiên cứu, khi giấc mơ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng hội nhập quốc tế và việc ghi danh những công trình khoa học tầm cỡ thế giới trở thành hiện thực.
Trên đây là những thông tin liên quan đến doanh nhân Hồ Xuân Năng do dvt.vn tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm những thông tin mới về doanh nhân này cũng như tìm kiếm được những thông tin cần thiết nhé!
- Top 20 Công Ty Cung Cấp Và Chăm Sóc Cây Xanh Uy Tín Và Chuyên Nghiệp Nhất
- Bản Lề Cửa – Đặc điểm và Cách chọn bản lề cửa phù hợp
- Hoa Hậu Mai Phương Thúy là ai? Tiểu sử, sự nghiệp và đời tư của hoa hậu đăng quang năm 2006
- Tử vi sinh năm 1983 từ A-Z – Năm 1983 mệnh gì? Hợp màu nào?
- Khóa Cửa Vân Tay – Cấu tạo, Chức năng và Cách sử dụng Khóa vân tay