Kháng sinh tự nhiên
Nhà khoa học, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y (Hà Nội) cho biết hành hoa có tên gọi khác là hành lá, hành trắng, thông bạch, đại thông, thái bá. Tên khoa học của hành lá là Allium fistulosum L., thuộc Họ Hành - Alliaceae.
Hành lá là gia vị tuyệt vời trong nấu ăn, nhiều món ăn không có hành lá sẽ mất đi sự thơm ngon. Do vậy mà dân gian vẫn có câu: "Trăm thứ canh không hành không ngon". Câu nói trên đủ để thấy vai trò quan trọng của hành lá trong nghệ thuật ẩm thực. Hành có thể ăn sống, luộc ăn và muối dưa đều có tác dụng kích thích tiêu hoá.
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, hành được ví là thuốc bổ phòng ngừa nhiều chứng bệnh trong đó có ung thư. Biết ăn hành sẽ giúp con người thêm minh mẫn, sáng suốt.
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, cây hành lá có thể dùng làm thuốc. Hành lá có vị cay, ngọt, tính ấm; quy kinh vào phế, vị. Tác dụng của hành lá là khư hàn, thông khí trệ, lợi thấp, giải cảm, yên ngũ tạng, sát trùng.
Hành là một vị thuốc tuyệt vời chữa được nhiều bệnh. Liều dùng hành làm thuốc điều trị bệnh không hạn chế.
Hành là thuốc chữa bệnh hữu hiệu - Ảnh minh hoạ.
Y học hiện đại đã phân tích hoạt chất và thấy hành lá có chất kháng sinh Alicine giúp diệt khuẩn rất mạnh đối với một số bệnh như thương hàn, lỵ, vi trùng tả, trực khuẩn, bệnh bạch hầu. Alicine dễ mất tác dụng khi nấu, do vậy khi nấu ăn nên cho hành vào cuối rồi bắc ra ngay.
Lương Y Bùi Đắc sáng cho biết hành được dùng để điều trị bệnh cổ trướng. Đây là loại bệnh thuộc vào "tứ chứng nan y" (Phong, Lao, Cổ, Nại). Khi mắc các căn bệnh này sẽ vô phương cứu chữa, chỉ còn chờ chết. Tuy ngày nay khoa học đã chặn đứng được chứng phong cùi (hủi) và ho lao, nhưng chứng cổ trướng hầu như vẫn còn khó khăn.
Bệnh cổ trướng theo y học cổ truyền là do tỳ vị không vận hóa được thủy thấp, làm cho vật thực và nước tích chứa trong tạng phủ gây cổ trướng (bụng căng lên như cái trống hay như bọng cóc).
"Trước đây, hành đã được sử dụng để chữa khỏi cho nhiều người có triệu chứng bụng căng trướng, chân, mặt sưng phù, bệnh viện từ chối điều trị. Bài thuốc cụ thể như sau: hành lượng vừa đủ sắc uống giúp thông khí trệ, lợi thấp, sát trùng", Lương y Bùi Đắc Sáng nói.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, nam giới tinh trùng yếu xuất tinh sớm dùng hành lá nấu canh ăn giúp làm mạnh tinh trùng, tăng cường ham muốn. Bài thuốc trị di tinh, hoạt tinh, tăng cường ham muốn như sau: hành vừa đủ nấu canh ăn 2 lần/ngày.
Người bị bí tiểu tiện dùng 4 khóm hành giã nát, sao nóng, chườm ở bụng dưới, hễ nguội thay gói khác là thông ngay hoặc kết hợp uống nước râu ngô. Tác dụng của bài thuốc này là thông khí trệ, lợi thấp.
Một số bài thuốc từ hành
Lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ bài thuốc trị bệnh từ hành lá như sau:
- Trị cảm mạo, nhức đầu, nghẹt mũi: Hành trắng (cả rễ, lá) 30g, gừng tươi 10g, tía tô 20g. Sắc uống. Trị hư hàn, thông khí trệ, giải cảm
- Trị đau bụng cấp (răng cắn chặt): Hành 05 củ, bóc sạch, giã nát, lấy ông bơm vào họng rồi bơm dầu mè vô, hễ nuốt được một chút sẽ tỉnh, sau đi giải ra nước vàng là khỏi. Bài thuốc có tác dụng thông khí trệ, lợi thấp, sát trùng.
- Nghẽn tắc ruột do giun đũa: Hành củ tươi lượng 30g, dầu vừng 30g. Nghiền, trộn, chia uống ngày 2 lần.
- Chữa eczema, phát ban, vết thương, vết loét: Hành tươi lượng tùy dùng giã nát, đun sôi, lấy nước để rửa nơi bệnh.
- Chữa đại tiểu tiện cùng bế: Hành tươi 60g, giã nát, đun sôi, uống.
- Chữa kiết lỵ, động thai ra máu: Hành tươi, gạo nếp lượng vừa đủ. Giã nát, nấu cháo ăn.
- Chữa thổ tả nguy cấp: Hành tươi và rượu lượng vừa đủ. Giã nát nát hành đun sôi, lấy nước hòa rượu uống.
- Chữa bụng trướng ứ nước: hành tươi lượng tùy dùng, 20g mộc thông. Giã nát hành đun sôi, lấy nước hòa rượu uống, đồng thời dùng hành giã nát, sao nóng, chườm lên rốn (nguội lại thay).
- Chữa sưng vú: hành tươi lượng tùy dùng giã nát, hấp nóng chườm và đắp nơi bệnh.
- Chữa bị thương, sưng đau: hành tươi tùy dùng giã nát, sao nóng, đắp nơi bệnh.
- Chữa sâu bọ chui vào lỗ tai: hành tươi lượng tùy dùng giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào lỗ tai.
Lương Y Bùi Đắc Sáng lưu ý: "Hành có tính phát tán, không nên dùng nhiều hại mắt. Hành nướng không ăn với mật, đường, thịt chó gây đầy bụng khó chịu".
https://soha.vn/loai-rau-gia-vi-vua-giup-tri-nao-minh-man-vua-tang-cuong-ham-muon-cho-nam-gioi-20220118103710709.htm
Link nội dung: https://dvt.vn/loai-rau-gia-vi-vua-giup-tri-nao-minh-man-vua-tang-cuong-ham-muon-cho-nam-gioi-a102301.html