Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ

(DVT.vn) – Là người thân cận của Đại tướng trong quân ngũ suốt 30 năm; người nhà thân thiết, Trung tướng Hồng Cư dành nhiều tâm huyết, tình cảm để viết về đại tướng.

Phạm Hồng Cư

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời là người em “đồng hao” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng lấy con gái Giáo sư Đặng Thai Mai. Phu nhân của đại tướng là Đặng Bích Hà, phu nhân của Trung tướng là Đặng Thị Hạnh.

chuyen-thoi-tre-dai-tuong-vo-nguyen-giap-ma-hang-trieu-nguoi-viet-khong-he-biet-22fa0-3424123-default-1625577762.jpeg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ

Là người thân cận của Đại tướng trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, đồng thời là người thân thiết trong gia đình, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm để viết về Đại tướng. Những phần trích dưới đây, có phần đã được công bố, có phần chưa được công bố, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã ưu tiên dành cho báo DVT.vn chuyển tới bạn đọc nhân dịp Đại tướng tròn tuổi 100, ngày 25/08/2011.

Ngày sinh

Hồi đầu thế kỷ XX, ở làng An Xá (trước là xã, sau là thôn, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có một gia đình nhà nho nghèo làm ruộng. Ông húy là Võ Quang Nghiêm, bà là Nguyễn Thị Kiên. Ông bà sinh hạ được bảy người con, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con thứ năm.

Võ Nguyên Giáp ra đời vào một mùa lụt, trong một cái lều cất tạm dưới gốc cây mít to như cổ thụ trong vườn nhà. Thưở ấy, các cụ chỉ nhớ ngày sinh của con cái theo âm lịch, còn ngày sinh của Võ Nguyên Giáp theo dương lịch thì sau này các nhà nghiên cứu phương Tây, mỗi người nói một cách. Ví như bản chỉ dẫn về tiểu sử Võ Nguyên Giáp của Giăng Xanhtơny (Notice biographique sur Võ Nguyên Giáp – Jean Sainteny) ghi là 1912. Từ điển Bách khoa Larutxơ (Larousse) ghi là 1911. Có những tác giả ghi là 1910 như Buđaren (Boudarel) hoặc Giêm Phốc ( James Fox).

Trong cuốn “GIAP” do Nhà xuất bản Atlát ( Atlas) – Pari xuất bản năm 1977, Buđaren viết: “ Sinh ở An Xá trong tỉnh Quảng Bình năm 1910”. Trên Tạp chí Thời sự chủ nhật (The Sunday Times magazine) số 5- 11- 1972, Giêm Phốc viết: Ông sinh ngày 1- 9- 1910, một ngày tháng đáng ghi nhớ lại ở đây, chỉ vì một sự tình cờ kỳ lạ, tôi tìm thấy giấy khai sinh của ông Giáp tại Pari và qua đó có thể giải quyết một lúng túng cho giới độc giả cho rằng ông sinh ra vảo khoảng 1911, 1912”.

Tôi hỏi chị Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp):

–    Vậy năm nào là đúng?

–    Năm 1911.

–    Căn cứ vào đâu?

–    Anh Giáp tuổi Hợi (Tân Hợi).

–    Một lá số tử vi có không?

–    Không. Mà có cũng không còn.

–    Rất tiếc, tôi muốn xem người ta đoán như thế nào về số của anh Giáp. Còn ngày sinh?

–    Ngày 25 tháng 8 dương lịch. Cũng tính từ “ngày ta” sang do bà (mẹ anh Giáp) nói và nhờ ông Trần Văn Giáp tính hộ.

Gia đình

Họ Võ là một dòng họ lớn ở làng An Xá, từ đường ở cuối làng. Tiếc rằng gia phả nay không còn.
Cậu bé Giáp lớn lên không biết mặt ông nội, chỉ nghe nói là có đức lắm. Cụ ông húy là Võ Quang Nguyên, cụ bà là Bùi Thị Gái. Cậu bé nhớ bà nội lúc mất: Mặc áo tím, áo điều. Một hôm, ông thầy cúng nói: “ Bà ngồi trên mộ đấy”.

Gần đây cháu chắt mới tìm thấy mộ các cụ. Mộ cụ ông táng trên Trấm, sau làng An Sinh, ở thượng nguồn bên hữu ngạn sông Kiến Giang, còn mộ cụ bà thì táng bên tả ngạn, ở một khuỷu sông gọi là Hàm Rồng.

Khi còn nhỏ, cậu bé Giáp nhiều lần theo thầy mẹ đi tảo mộ. Một thời gian dài qua hai cuộc kháng chiến, việc viếng mộ thưa đi. Đến thế hệ chắt thì không còn biết đâu là mộ nhà. Một hôm, ba người thuộc hàng chắt đi tảo mộ đến khu vực mộ cụ ông thì chỉ thấy nhiều mộ giống nhau.

May có một ông già đi tới nói:

–    Không phải đất của ta đâu! Gia đình có phúc lắm mới gặp tôi. Mua thẻ hương khấn rồi tôi tìm mộ cho.

Ông già dẫn đến một chỗ có vết đào mương, hào. Có trồng một cây lạ để đánh dấu gọi là cây chim chim.

Nghe chuyện này, đích thân em trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Võ Thuần Nho về tìm. Võ Thuần Nho đứng một chập, có một ông lão ra hỏi:

–    Có phải ông Nho đấy không?

–    Thưa phải.

–    Thời kháng chiến ông dạy tôi múa đại đao, ông có nhớ không?

–    …

–    Có một dạo, người trong làng ra đào hầm hố ngay đầu mộ, tôi ra tôi cản đó.

Lúc đó Võ Thuần Nho mới tin.

Ông thân sinh của Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho học tài thi phận. Ông đã nhiều lần thi hương cho tới khóa Mậu Ngọ (1918). Hồi ấy, các thí sinh phải đem lều chõng vào trường thi, dựng tại chỗ đất trống dành cho mình để có nơi ngồi làm bài. Khác với Võ Nguyên Giáp sau này nhiều lần đỗ thủ khoa, ông Nguyên lều chõng bao lần thi không đậu. Tuy không đỗ đạt nhưng ông Nghiêm là một nhà nho có uy tín trong vùng. Ông vừa dạy học, vừa bốc thuốc. Ông được xóm làng tôn trọng. Khi tế ở ngoài đình, tuy không phải là tiên chỉ, nhưng người ta thường mời ông làm chủ tế. Cậu bé Giáp mỗi lần thấy thầy tắm nước lá bưởi, mặc áo tế là biết ông đi làm chủ tế.

Ông giàu lòng thương người. Đêm hôm, có ai mời đi thăm bệnh, ông cũng đi. Ông dạy con cháu trong nhà “thương người như thể thương thân”. Ông sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch, có nền nếp. Sáng nào cũng vậy, ông dậy đúng giờ, ăn ba bát cháo hoa hay cháo tấm, ăn với cà hoặc muối, ông gọi đấy là “sâm nhà nghèo”. Tối đi ngủ, ông bắt cả nhà xoa chân tay cho nóng.

Tập quán này, Võ Nguyên Giáp còn giữ mãi cho tới sau này.

Ông Nghiêm có chú ý giữ gìn nền nếp gia phong. Sự giáo dục trong gia đình rất nghiêm khắc. Ăn cơm xong, con cái rót nước hầu cha mẹ phải bưng hai tay, bưng một tay là thất lễ. Có khách đến nhà, con gái không được lên nhà trên. Ông dạy chữ nho cho trẻ trong làng. Đến một lúc nào đó, ông chuyển sang dạy Quốc ngữ, làm hương sư. Ông vừa dạy học vừa làm ruộng. Giao bài cho trẻ xong, ông chèo “nôốc” (thuyền) đi thăm “ló” (lúa).

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu, gia đình đi tản cư, ông còn đang thu xếp một vài việc chưa kịp đi theo, thì giặc Pháp ập tới. Chúng càn quét lùng bắt ông, đưa ông về giam ở Huế. Ông bị giặc tra tấn dã man. Có người trông thấy ông bị chúng buộc tay vào đằng sau xe gíp (Jeep). Gia đình không biết ông sống chết ra sao.

Hơn bốn mươi năm sau, khi sưu tầm những tư liệu về gia đình, tôi tìm thấy một bức thư mà gia đình còn lưu giữ được. Thư đã cũ, giấy học trò đã ngả màu vàng, nét chứ trẻ em to, nắn nót, viết bằng mực tím:

Mẹ có mấy lời thăm con: Giáp và Hà.

Mẹ mong cho con được mạnh khỏe luôn luôn thì Mẹ mừng lắm. Còn Mẹ và Anh cũng được thường nhưng mà thua lúc ở nhà nhiều lắm, nhưng chuyện nhà nhiều chuyện đắng cay, của tiền không kể, nhưng nhứt là không biết Thầy có còn hay không thì Mẹ buồn lắm…

Bức thư không đề ngày tháng, nhưng chắc là viết vào thời gian đầu cuộc kháng chiến, gửi từ nơi tản cư ở Quảng Bình ra Việt Bắc… Bà nội đọc cho cháu Hồng Anh viết.

Mãi về sau, gia đình mới có tin là ông đã mất trong nhà tù ở Huế. Sau ngày thống nhất nước nhà, con cháu đi tìm mộ ông và năm 1979, bốc mộ, đưa hài cốt về chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy.

Võ Nguyên Giáp giống mẹ: Bà đã ban cho Võ Nguyên Giáp cả vóc người, gương mặt và đôi mắt thông minh. Những ai đã có dịp gặp bà đều nhận ngay ra rằng vóc người thấp đậm của Võ Nguyên Giáp là vóc người của bà. Gương mặt tròn, trắng trẻo của Võ Nguyên Giáp là gương mặt của bà. Đặc biệt là đôi mắt: Một đôi mắt vừa hồn nhiên nhân hậu như mắt trẻ thơ, vừa cương nghị như có ánh thép và sắc sảo long lanh trí tuệ. Về đôi mắt của Võ Nguyên Giáp, sau này có một lần, một nữ ký giả phương Tây – bà Oriana Phalaxi (Oriana Fallaci) – khi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “ Đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng thấy!”

“ Hiền lành là bà” – Võ Nguyên Giáp nói về người mẹ của mình như vậy . Cậu bé Giáp yêu thương mẹ, còn đối với ông thân thì cậu kính nể và sợ. Ông dạy con rất nghiêm mà cậu thì hay nghịch. Mỗi khi ông mắng con thì bà đứng ra đỡ lời.

Bà lo việc ruộng vườn nội trợ. Thời gian đầu, bà còn đi chợ, ra ruộng. Sau này khi hai cô con gái đã lớn (chị Điểm và chị Liên), các chị chèo đò đi buôn vặt để đỡ đần cho cha mẹ thì bà lo việc cơm nước ở nhà. Khi hai chị đi lấy chồng và hai anh em Võ Nguyên Giáp, Võ Thuần Nho đi học xa, hai ông bà sống với cô con gái út tên là Võ Thị Lài.

Năm 1952, bà ra Việt Bắc và sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, bà về Hà Nội sống với con cháu. Năm 1961, bà mất.

Khác với các gia đình ở Quảng Bình, trong gia đình ông Nghiêm, con cái hay gọi cha mẹ là thầy, thím.

Tôi hỏi:

–    Tại sao?

Anh Võ Thuần Nho trả lời:

–    Cả huyện, cả làng gọi ông là thầy, trong nhà cũng gọi là thầy.

–    Thế tại sao gọi mẹ là thím?

Chị Đặng Bích Hà đưa ra một giả thuyết:

–    Phải chăng do anh Toại, chị Châu mất sớm, gia đình kiêng, gọi tránh đi cho dễ nuôi con.
Bà cụ đã kể lại cho chị Đặng Bích Hà: Người anh cả tên là Toại, thông minh khôi ngô cực kỳ. Anh học chữ Hán, giỏi như thần đồng làm cho thầy mẹ hoảng sợ, bắt uống mực Tàu cho tối dạ bớt đi. Nhưng cũng không giữ được anh, một cơn dịch tả tràn qua làng, anh mắc bệnh. “ Thầy ơi! Cứu con với!”. Thầy biết làm thuốc nhưng bệnh nặng, không cứu được. Anh qua đời vào lúc lên bảy lên tám. Sau anh Toại là chị Châu, sinh được một năm thì vừa trận lụt năm Thìn. Lũ lớn tràn về đột ngột, ngập cái “tra” (gác để cất lúa). Nước cuốn trôi cả hai mẹ con. Tóc mẹ dài quấn vào bụi tre, thầy cứu được. Chị Châu mất không có mộ. Sau này Võ Thuần Nho về đắp cho chị một cái mộ gió bên cạnh mộ anh Toại.

(Còn nữa)