Rơm rạ là sản phẩm sau khi thu hoạch lúa còn sót lại ở trên những cánh đồng, đây là phần gốc và thân cây lúa sau một vụ thu hoạch hạt lúa. Tùy theo nhu cầu mà rơm rạ được sử dụng khác nhau. Trong bài viết này chúng ta sẽ điểm qua một số công dụng của rơm rạ trong cuộc sống hàng ngày nhé!
Giá thành của rơm rạ
Trung bình chỉ cần 40 – 45 giây để hoàn thành mỗi cuộn rơm. Công suất thu gom rơm đạt từ 50 – 70 cuộn/giờ (tùy thuộc vào trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy). Được biết, mỗi héc-ta thu được hơn 100 cuộn rơm, mỗi vụ anh Thảo ước đạt 10.000 cuộn rơm. Mỗi cuộn rơm có trọng lượng từ 17 – 20kg/cuộn.
Rơm rạ sau thu gom được vận chuyển và nhập cho các trang trại trong và ngoài tỉnh để làm thức ăn chăn nuôi, hoặc cung ứng cho các hộ làm nấm, làm phân bón, che phủ cho cây trồng. Ngoài ra, anh còn thuê kho rộng 6.000 m2 để dự trữ số cuộn rơm chờ xuất trong mùa đông sẽ cho giá cao.
Giá bán cuộn rơm tùy theo chất lượng rơm, những loại rơm khô xỉn màu do ảnh hưởng của mưa sẽ bán với giá rẻ để che phủ cây trồng, từ 15.000 – 20.000 đồng/cuộn, rơm khô chất lượng tốt bán giá cao hơn để làm thức ăn cho gia súc với giá 30.000 đồng/cuộn. Trừ chi phí vật tư, nhiên liệu và khấu hao máy, mỗi vụ trung bình anh thu về từ 70 – 80 triệu đồng/vụ.

Công dụng của rơm rạ
Rơm là nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc trâu, bò trong những mùa thiếu cỏ, trong những ngày đông rét mướt.
Rơm rạ được sử dụng để làm phân bón cho cây trồng.Rơm rạ được đem ủ lẫn với phân gia súc làm phân chuồng hay người ta làm thức ăn cho trùn (giun) để làm phân trùn (thông qua hệ thống tiêu hoá của trùn đỏ, trùn quế, rơm rạ trở thành một loại phân rất giàu dinh dưỡng thường được dùng cho các vườn ươm). Rơm rạ cũng có thể đem vùi trực tiếp vào đất (trong trường hợp vụ gieo trồng kế tiếp cách hơn 3 tháng sau).
Trong sản xuất nấm rơm, nấm rạ – những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao – tất nhiên không thể không có rơm, rạ.
Rơm rạ còn được dùng làm vật liệu che phủ cho cây để vừa giữ ẩm vừa giữ ấm vào ngày lạnh, làm mát vào ngày nắng nóng; dùng lót ổ cho gia súc, gia cầm.
Rơm, rạ còn được dùng để kê, lót vận chuyển đồ dễ vỡ, bảo quản và vận chuyển trái cây. Rơm, rạ cũng là nguyên liệu để sản xuất sản phẩm mỹ nghệ.

Tận dụng rơm rạ vào nông nghiệp
Trong nông nghiệp, rơm rạ có thể làm gì là câu hỏi mà các nhà quản lý cần quan tâm hàng đầu. Vậy có thể sử dụng rơm rạ để sản xuất ra:
+ Xử lý rơm rạ sau thu hoạch để sản xuất phân bón cho nông nghiệp. Bằng cách đốt gốc rạ ngay trên cánh đồng đã được thu hoạch. Đây là một trong những cách ủ phân bón hiệu quả. Tuy nhiên, việc đốt quá nhiều gốc rạ sẽ khiến đất bị khô và thiếu dưỡng chất.
+ Tái sử dụng rơm rạ để phủ đất khu vực canh tác, tái tạo lại lớp đất trồng thêm màu mỡ. Ngoài ra, việc này cũng giảm thiểu rõ rệt tình trạng xói mòn đất do mưa lớn kéo dài.
+ Nấm rơm là một loại thực phẩm với nhiều dinh dưỡng cần thiết cho con người. Quá trình sản xuất nấm từ rơm cũng khá đơn giản, không cần bón thêm bất cứ loại phân bón nào. Bởi khi rơm phân huỷ, các chất được tạo ra đã đủ cũng cấp dưỡng chất để nấm phát triển rồi.
+ Sử dụng rơm rạ để sản xuất thức ăn gia súc cũng là một giải pháp cho câu hỏi “Rơm rạ có thể làm gì?”. Giúp điều hoá nhiệt độ cơ thể của gia súc ngay cả trong mùa đông. Tuy nhiên, cần kết hợp các loại thức ăn có dưỡng chất khác để đàn gia súc có thể khoẻ mạnh.

Vai trò của rơm rạ trong ngành sản xuất Công nghiệp
Sử dụng rơm rạ để tạo ra nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp. Điều này góp phần vào việc tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp hiện nay.
+ Là nguồn nguyên liệu giá rẻ, dễ dàng tìm kiếm trong tự nhiên.
+ Cung cấp, thay thế nguyên liệu cho các ngành công nghiệp như: dầu khí, xây dựng, sản xuất,…
+ Sản xuất một số nhiên liệu thiết yếu như: nhiên liệu lỏng dầu sinh học, dầu diezel,…
+ Hạn chế tình trạng phơi rơm rạ trên làn đường bộ tại các vùng nông thôn.
+ Giảm thiểu ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ làm phân bón đồng ruộng.
Với những lợi ích kể trên, việc sử dụng rơm rạ vào sản xuất Công nghiệp hiện nay là điều vô cùng đúng đắn. Nếu con người biết cân bằng tự nhiên bằng cách tái chế lại các phế phẩm, ô nhiễm sẽ được đẩy lùi.
Sản phẩm từ rơm rạ trong công nghiệp
Đặc biệt, sản phẩm từ rơm rạ được đánh giá cao và mang lại nguồn thu nhập lớn như giấy, ethanol, vật liệu xây dựng,… Có thể nói, từ những đống rơm của ngành Nông nghiệp cũ có thể trở thành nguyên liệu “đắt giá”. Góp phần phát triển ngành công nghiệp ngay cả trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
+ Tại một số nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc,…việc sử dụng rơm trong lĩnh vực sản xuất giấy đang được chú trọng. Tuy màu sắc sản phẩm không được sáng, nhưng chất lượng giấy rất tốt.
+ Sản xuất ra Ethanol: Rơm rạ, bã mía, hay trấu đều có thể tái chế thành nhiên liệu lỏng dầu sinh học. Ngoài ra, loại nguyên liệu này còn có thể nâng cấp để sản xuất dầu diesel trong tương lai
+ Sản xuất vật liệu xây dựng: ý tưởng này đã được hiện tại một ngôi làng ở Ấn Độ. Một cô sinh viên đã rơm, trấu và các hóa chất cần thiết, ép thành các tấm vật liệu nguyên khối. Loại vật liệu này có thể đóng thành bàn học, hoặc sử dụng trong công trình xây dựng. Hoặc sử dụng từng khối rơm thay thế cho rèm trong các công trình xây dựng.

Các dưỡng chất tốt trong rơm rạ
Phytolith trong rơm rạ khô
Gần đây, nguyên tố Si được các nhà nhà khoa học công nhận là nguyên tố dinh dưỡng thứ 17 có vai trò quan trọng đối với đất và cây trồng. Trong rơm rạ chứa cũng chứa một lượng Si đáng kể, tồn tại ở dạng Phytolith.
Phytolith là một dạng cấu trúc đặc biệt được hình thành trong thực vật thông qua quá trình kết tủa nguyên tố Silic (Si) trên các thành vách tế bào.

Qua các phân tích: cùng với một số nguyên tố khoáng quan trọng như phốt pho và kali, phytolith có thể tích lũy với một lượng rất lớn trong rơm rạ (10 – 15%). Sau khi hoàn trả trở lại môi trường đất, phytolith có thể tham gia vào các quá trình phản ứng hóa học trong đất nhờ một bề mặt có hoạt tính cao.
Bên cạnh đó, một phần đáng kể của phytolith có thể hòa tan trong thời gian ngắn và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về Si của cây trồng. Ngoài ra Si có khả năng tạo phức với Al3+ và Fe3+, góp phần giảm độ độc do 2 nguyên tố này gây nên. Góp phần cải thiện pH cũng như giúp hệ rễ phát triển tốt hơn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phytolith là dạng oxit silic vô định hình chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng quan trọng. Dựa vào đặc tính này, chúng ta có thể dự đoán khả năng dự trữ dinh dưỡng của rơm rạ đã được phân hủy. Hàm lượng trung bình phytolith trong các mẫu đất là 1,33 ± 0,54% và có thể bị suy hao do hòa tan và rửa trôi. Nghiên cứu này bước đầu cho biết về sự hiện diện của phytolith trong đất cũng như con đường tích lũy, chuyển hóa của nó. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của phytolith đối với đặc tính lý hóa học của đất và đối với năng suất cây trồng cần được đầu tư nghiên cứu chi tiết hơn.
Kali trong rơm rạ khô
Hằng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu kali để sản xuất phân bón hóa học. Trong khi rơm rạ, nguồn “tài nguyên” chứa một lượng kali đáng kể lại bị bỏ phí một cách đáng tiếc.
Gần đây, có công trình nghiên cứu “mỏ kali trong rơm rạ” của một nhóm nghiên cứu ở Việt Nam được đăng tải trên tạp chí quốc tế và được đánh giá rất cao. Nghiên cứu cũng nhắm tới việc sản xuất kali từ rơm rạ. Cây lúa hút thu một lượng đáng kể nguyên tố kali trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Lượng kali hút thu có thể được tích lũy trong các mô bào thân cây và lá lúa và sau khi thu hoạch thì kali nằm chủ yếu trong phần rơm rạ. Tuy nhiên, hiện có rất ít thông tin nghiên cứu về dạng tồn tại cũng như khả năng tái sử dụng lượng kali này.

Dựa trên kỹ thuật phân tích chụp cắt lớp tia X và đồ họa 3D được xử lý trên phần mềm YaDiV có thể thấy trong thân cây lúa là một hệ thống “khung xương” được hình thành bởi quá trình kết tủa silic trên các vách tế bào của cây, và cấu trúc này được gọi là phytolith.
Phát hiện này cho phép nhận định chính xác hơn về vai trò của khung xương phytolith như là nhân tố quan trọng nhất góp phần vào tăng cường sức chống chịu cơ học của thân cây lúa. Phân tích phổ tán xạ năng lượng tia X (EDX) cho thấy có một lượng đáng kể các nguyên tố dinh dưỡng, đặc biệt là kali khu trú trong cấu trúc của phytolith. Kali bị cố định chặt trong cấu trúc phytolith và chỉ có thể được giải phóng khi cấu trúc phytolith bị phá vỡ.
Ngoài lượng Kali, trong rơm rạ khô còn có N và P cùng một số nguyên tố khác.
Khả năng tạo mùn: hàm lượng cellulose, lignin trong rơm rạ khá cao, đây là một cơ sở quan trọng để hình thành mùn trong đất.
Vi sinh vật: trong rơm rạ, cỏ khô cũng chứa nhiều vi khuẩn Bacillus subtilis.
Hạn chế cỏ dại: theo như các quan sát thực tế thì sử dụng rơm rạ để làm vật che phủ sẽ hạn sự phát triển chế cỏ dại.
Rơm rạ khô có thể dùng vào nhiều mục đích; việc sử dụng rơm rạ có tác dụng rất tốt, chứ không chỉ là vật bỏ đi như chúng ta thường nghĩ.
Một số biện pháp chế biến dự trữ rơm, rạ làm thức ăn cho trâu, bò vụ đông
Để chủ động phòng, chống đói rét cho trâu, bò trong vụ đông năm 2021, người chăn nuôi cần tận dụng tối đa được nguồn rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa mùa, dự trữ và chế biến sử lý rơm làm thức ăn cho trâu bò. Tuy hàm lượng dinh dưỡng thấp, nhưng đem rơm, rạ chế biến sẽ là nguồn thức ăn tốt, giàu dinh dưỡng, hàm lượng Protein cao. Bà con chăn nuôi cần chú ý các phương pháp dự trữ, chế biến rơm, rạ như sau:

Phương pháp tận thu rơm, rạ sau thu hoạch
Sau khi gặt lúa, thu rơm, rạ về cần phơi khô, tránh để bị nấm mốc; sau đó, đưa về nhà, đánh thành cây rơm dự trữ cho trâu, bò ăn trong mùa đông.
Biện pháp ủ Urê
a) Chuẩn bị nguyên vật liệu:
– Rơm khô, túi ni lông hoặc xây bể nổi hoặc ủ thành cây rơm xung quanh có ni lông bao phủ kín có dây buộc chặt, thùng nhựa, thùng phi… tùy vào lượng rơm cần ủ mà chọn kích thước cho phù hợp. Thông thường, chăn nuôi trong nông hộ số lượng trâu, bò ít thì sử dụng bao nilon là phù hợp nhất.
– Đạm Urê + nước sạch, găng tay, ô doa…
b) Phương pháp ủ:
Sử dụng công thức: 100 kg rơm khô + 4 kg Urê + 100 lít nước.
Phương pháp thực hiện như sau: 10 kg rơm khô, rải đều lên sân gạch hoặc tấm vải nhựa. Dùng bình ô doa đựng 10 lít nước + 0,4 kg Urê, khuấy đều đến khi tan hết đạm vào nước. Tưới nước đã pha Urê vào rơm, cứ 10 kg rơm thì tưới 10 lít nước đã hòa với Urê (nếu rơm tươi và ướt thì chỉ tưới 6 – 7 lít nước đã pha/10 kg rơm) cứ lần lượt tưới cho đến hết nước; sau đó, đảo đều và cho vào thùng, bể, bao ni lon, buộc kín miệng để ủ trong 10 ngày thì có thể cho trâu bò ăn.
c) Phương pháp cho ăn:
Sau khi ủ 10 ngày, kiểm tra rơm có mùi thơm, vàng bắt đầu lấy cho trâu, bò ăn. Lúc đầu cho ăn ít khoảng 1 – 2 kg/con/ngày và cần phải tập cho trâu bò ăn dần bằng cách trộn lẫn với cỏ tươi (khoảng 50%); sau 2 – 3 ngày trâu, bò sẽ ăn quen dần và lượng ăn tăng dần lên; mỗi ngày cho ăn tối đa từ 7 – 10 kg/con trâu, bò.
Biện pháp mềm hóa rơm
Đây là biện pháp đơn giản nhằm tăng cường hàm lượng dinh dưỡng có trong rơm khô giúp cho trâu, bò thích ăn.
– Nguyên liệu: rơm khô, muối và nước sạch, xô, chậu.
– Phương pháp: Hòa muối vào nước để được dung dịch 5 – 7% (cứ 10 lít nước sạch hòa với 0,5 đến 0,7 kg muối) tưới vào rơm khô đã dự trữ cho trâu bò ăn trực tiếp.

Biện pháp ủ kiềm hóa rơm
a) Chuẩn bị nguyên vật liệu:
– Rơm khô, đạm Urê + nước sạch, găng tay, ô doa, vôi, muối ăn, cào, xẻng, bể, nhà để rơm đã sử lý hoặc bao tải…
b) Phương pháp ủ:
Công thức: – Rơm khô: 100 kg, Urê: 2,5 kg; vôi: 0,5 kg; muối ăn: 0,5 kg; nước sạch: 70 – 80 lít. Urê, vôi, muối được hoà tan vào 70 – 80 lít nước cho tan đều; sau đó, tưới vào 100 kg rơm cho tất cả rơm được thấm nước hỗn hợp Urê, vôi, muối.
Cách ủ: Dùng sân sạch, nilon hoặc vải xác rắn rộng khoảng 2 – 3 m2, trải từng lớp rơm dày khoảng 15 – 20 cm (1 gang tay); sau đó, tưới nước đã hòa tan Urê, vôi, muối cho thấm đều tất cả lớp rơm rồi lại cho lớp khác và tưới đều. Lần lượt như vậy, tưới cho ẩm hết lượng rơm. Các lớp dưới nên tưới ít, các lớp trên tưới nhiều hơn, phần dư thừa sẽ thấm xuống các lớp dưới không gây lãng phí. Sau khi rơm được tưới đều, ta cho chúng vào các bao tải dứa có bao ni lon, nén thật chặt. Buộc chặt để giữ cho rơm chế biến sạch sẽ, tránh nắng mưa, ẩm ướt.
c) Cách cho ăn:
Rơm ủ trong 7 – 10 ngày, lấy ra cho trâu, bò ăn. Rơm ủ có chất lượng tốt, có màu vàng đậm, mùi Urê, không có mùi mốc, rơm ẩm, mềm. Sau khi lấy ra, ta lại buộc kín miệng bao tải ngay. Những ngày đầu tập cho trâu, bò ăn, cần lấy rơm ủ ra, phơi trong mát chừng 30 – 60 phút để mùi Urê, vôi bay bớt. Khi cho ăn, cần trộn thêm 50% cỏ tươi cắt ngắn cho vào chậu hoặc máng ăn sạch; mỗi ngày cho ăn tối đa từ 7 – 10 kg/con trâu bò.
Rơm rạ có lẽ đã quá quen thuộc với mỗi người chúng ta nhưng dvt.vn hy vọng thông qua bài viết một số công dụng khác của rơm rạ trong cuộc sống hàng ngày sẽ cung cấp một số thông tin thú vị cho các bạn !