Phố cổ Hội An là một thành phố nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, một phố cổ giữ được gần như nguyên vẹn với hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống, tâm hồn của người dân nơi đây. Một lần du lịch Phố Cổ Hội An sẽ làm say đắm lòng du khách bởi những nét đẹp trường tồn cùng thời gian, vô cùng mộc mạc, bình dị.
Thời điểm lý tưởng để du lịch Hội An
Sở hữu kiểu khí hậu hai mùa rõ rệt, hẳn nhiên là du lịch Hội An vào mùa khô (tháng 1 – tháng 7) sẽ được ưa thích hơn vào mùa mưa. Trong đó, thời gian lý tưởng nhất là từ tháng 2 – tháng 4, khi mà khí hậu vào xuân, đầu hè, thời tiết mát mẻ và nắng không quá gay gắt.

Ngoài thời gian này, bạn vẫn có thể chọn đến Hội An trong mùa mưa (tháng 8 – tháng 12). Khí hậu Hội An nhìn chung vẫn khá ôn hòa, không chịu nhiều ảnh hưởng của bão hay nhiệt độ chênh lệch cao giữa các mùa. Tuy nhiên cần lưu ý là mưa ở Hội An khá dai dẳng, và đôi khi sẽ gây lụt. Nếu bạn muốn được trải nghiệm cảm giác chèo thuyền giữa phố cổ thì du lịch Hội An trong thời gian này sẽ là một kỉ niệm thú vị.
Thế nhưng, theo những kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc thì thời điểm đặc biệt nhất để ghé thăm thành phố này chính là vào ngày rằm hàng tháng. Cứ mỗi ngày 14 âm lịch, phố cổ sẽ tắt hết đèn và được thắp sáng với ánh đèn lồng lung linh, đủ màu sắc. Trong ngày này, những con đường ở phố cổ, hai bên bờ sông Hoài tràn ngập giai điệu của những bài hát cổ truyền, các hoạt động – trò chơi dân gian, và tất nhiên là không thể thiếu những món ăn truyền thống hấp dẫn.
Đến Hội An bằng cách nào?

Bằng máy bay
Cho một chuyến du lịch Hội An thuận lợi nhất, bạn có thể mua vé máy bay đi Đà Nẵng rồi tiếp tục đến Hội An. Các chuyến bay từ TP.HCM, Hà Nội hay các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng chỉ mất xấp xỉ 1 giờ, có giá dao động trong khoảng 400.000 – 1.600.000 VND/ chiều.
Từ Đà Nẵng, có hai cách phổ biến nhất để đến Hội An là bằng taxi hoặc xe buýt.
Taxi: Rất dễ dàng để bắt taxi tại sân bay Đà Nẵng và chỉ mất 45 – 55 phút để bạn di chuyển đến Hội An. Chi phí cho một chuyến taxi có giá 350.000 – 450.000 VND, tùy hãng và loại xe.
Xe buýt: Phù hợp với du khách muốn tiết kiệm hay thích du lịch bụi, bạn có thể bắt xe buýt số 1 (Bến xe trung tâm Đà Nẵng – bến xe Hội An) với giá chỉ 25.000 VND/ lượt.
Bằng tàu hỏa
Cũng tương tự như đi máy bay, nếu đi bằng tàu hỏa, bạn sẽ dừng chân tại ga Đà Nẵng hoặc ga Trà Kiệu. Hành trình đi từ TP.HCM hoặc Hà Nội đến Đà Nẵng sẽ mất 15 – 20 giờ, giá vé trong khoảng 230.000 – 2.224.000 VND, tùy hành trình và loại ghế. Tham khảo giờ tàu chạy và mua vé trực tiếp tại đây.
Bằng xe khách
Nếu không muốn ghé ngang Đà Nẵng mà trực tiếp đến Hội An thì vẫn có những chuyến xe chạy thẳng TP.HCM – Hội An, hoặc Hà Nội – Hội An. Các hãng xe phổ biến mà bạn có thể lựa chọn là Hạnh Café, Thiên An, The Sinh Tourist, với giá dao động 320.000 – 480.000 VND/ lượt.
Bằng xe máy
Từ Đà Nẵng, bạn hoàn toàn có thể tự lái xe máy đến Hội An để tiết kiệm chi phí. Có hai tuyến đường chính:
Đi theo hướng Quốc lộ 1 về phía Nam, rẽ vào Vĩnh Điện. Đi hướng này bạn sẽ ghé thăm được Tháp Chàm Bằng Anh.
Đi qua cầu sông Hàn, theo tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An. Tuyến đường này sẽ thuận tiện cho bạn nào muốn kết hợp tham quan Ngũ Hành Sơn.
Đường từ Đà Nẵng đến Hội An khá dễ đi, thông thoáng. Tuy nhiên nếu là lần đầu tiên đi phượt, bạn nên tham khảo các kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc để chuyến đi được suôn sẻ nhất.
Phương tiện di chuyển ở Hội An

Xe máy: Là một thành phố du lịch, bạn sẽ dễ dàng thuê xe máy ở Hội An với giá 120.000 – 150.000 VND/ ngày.
Xe đạp: Cách tuyệt vời nhất để dạo quanh phố cổ là đạp xe hóng mát và cảm nhận nhịp sống bình yên của thành phố. Một số khách sạn ở Hội An sẽ có xe đạp miễn phí cho khách thuê, hoặc cho thuê với giá khoảng 40.000 VND/ ngày.
Xích lô: Nếu xích lô ở thành phố là điều hiếm hoi thì ở Hội An, phương tiện này vẫn là một hình ảnh đặc trưng. Bạn có thể đón xích lô ở Hội An tại đường Phan Châu Trinh, Tần Phú với giá 150.000 VND/ giờ/ xe.
Taxi: Hội An có các hãng taxi quen thuộc là Mai Linh (SĐT: 0235.3.92.92.92), Taxi Hội An (SĐT: 0235.3.91.99.19), Faifo (SĐT: 0235.3.91.91.91)
Tàu, thuyền: Dành cho một chuyến tham quan đậm chất phố cổ thì đừng bỏ qua cơ hội đi thuyền trên sông Hoài hoặc sông Thu Bồn. Bạn có thể dễ dàng đón thuyền ngay tại bến sông ở trung tâm phố cổ.
Địa điểm du lịch Hội An không nên bỏ lỡ
Công viên Ấn Tượng Hội An và Show Thực Cảnh Ký Ức Hội An

Đây chắc chắn sẽ là điểm nhấn trong chuyến thăm Phố Cổ hè này của bạn. Kể từ khi ra mắt, show thực cảnh Ký Ức Hội An nhận được vô vàn lời khen có cánh của khán giả và giới nhà phê bình. “Bữa tiệc thị giác” khiến khán giả phải ồ à không ngớt khi được xem những vũ công chuyên nghiệp biểu diễn giữa các hiệu ứng sân khấu ngoạn mục, đạo cụ chỉn chu, vũ điệu điêu luyện và đầy biểu cảm. Một điều đáng kinh ngạc nữa là chương trình được thực hiện trên sân khấu 25,000 m2 – sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam, với bối cảnh sông Thu Bồn nên thơ.
Chùa Cầu
Có thể được xem là biểu tượng của phố cổ, chùa Cầu là minh chứng rõ ràng nhất cho sự giao thoa văn hóa đa dạng của Hội An. Bên trong chùa có đặt tượng thờ Bắc Đế Trấn Võ, vị thần bảo vệ vùng đất và mang đến những điều tốt đẹp cho con người.

Địa chỉ: Ngã đường Nguyễn Thị Minh Khai – Trần Phú, hướng mặt chính ra sông Hoài.
Thời gian hoạt động: Cả ngày
Hội quán Phúc Kiến
Hội quán Phúc Kiến có thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, là nơi các thương nhân Trung Quốc thường ghé vào cầu nguyện cho một chuyến biển mưa thuận gió hòa. Sau nhiều lần trùng tu, hội quán đến nay vẫn giữ được nét kiến trúc đặc trưng với cổng tam quan, điện thờ, và các vòng nhang lớn mang đến không khí linh thiêng cho ngôi đền.

Địa chỉ: 35 Trần Phú , p. Minh An, tp. Hội An, Quảng Nam.
Thời gian hoạt động: 07:00 – 17:00
Hội quán Triều Châu
Được xây dựng từ sớm, khoảng giữa thế kỷ thứ 19, hội quán Triều Châu là nơi cộng đồng Hoa kiều xây dựng để thờ Phục Ba Tướng quân Mã Viện – vị tướng nổi tiếng thời Hán, được thờ như một vị thần bảo vệ người dân đi biển (“Phục Ba” có nghĩa là chinh phục sóng gió)

Địa chỉ: 157 Nguyễn Duy Hiệu, tp. Hội An.
Thời gian hoạt động: 07:00 – 17:00
Hệ thống nhà cổ
Nhà cổ Hội An thường được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, ngói lợp âm dương, được chia thành nhiều gian, và là nơi sinh sống – làm ăn của nhiều thế hệ trong một dòng họ.

- Nhà cổ Tân Ký: 101 Nguyễn Thái Học
- Nhà cổ Quân Thắng: 77 Trần Phú
- Nhà cổ Phùng Hưng: 04 Nguyễn Thị Minh Khai
- Nhà thờ Tộc Trần: 21 Lê Lợi
Chợ đêm Hội An
Là địa điểm dạo chơi buổi tối không thể bỏ qua khi du lịch Hội An, chợ đêm trên phố Nguyễn Hoàng là nơi tập trung những điều đậm chất Hội An nhất. Hàng chục quầy hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, và các vật phẩm lưu niệm được bày bán tại đây, trong không gian lung linh, hoài cổ của những ánh đèn lồng đủ màu sắc.

Địa chỉ: Đường Nguyễn Hoàng, gần sông Hoài.
Thời gian hoạt động: 17:00 – 23:00 hằng ngày
Bảo tàng ở Hội An
Không chỉ là bảo tàng trưng bày các hiện vật lịch sử, Hội An sở hữu những bảo tàng về cả văn hóa – nghệ thuật, thu hút cả những du khách trẻ mê trải nghiệm.
Bảo tàng Precious Heritage của Réhahn

Là bảo tàng riêng trưng bày những bức chân dung mà nhiếp ảnh gia Pháp Réhahn đã ghi lại trên hành khám phá Việt Nam của mình. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về con người được thể hiện chân thực dưới ống kính đầy nghệ thuật.
Địa chỉ: 26 Phan Bội Châu, tp, Hội An, Quảng Nam.
Thời gian hoạt động: 08:00 – 20:00
Không gian triển lãm nghệ thuật Cotic
Nếu là một người yêu nghệ thuật truyền thống Việt, đặc biệt là tuồng, thì hẳn bạn không thể bỏ qua Cotic. Với mong muốn lưu truyền một nét đẹp văn hóa – nghệ thuật của nước nhà, Cotic chú trọng đến từng góc bài trí nhỏ, mang đến một không gian đậm đà bản sắc Việt.

Địa chỉ: 56 Nguyễn Thái Học, Minh An, Hội An, Quảng Nam.
Thời gian hoạt động: 07:00 – 23:00
Những địa điểm “sống ảo” nổi tiếng ở Hội An
Bức tường đường Hoàng Văn Thụ

Một trong những địa điểm chụp hình nổi tiếng nhất ở Hội An chính là mảng tường cổ trên đường Hoàng Văn Thụ (đường dẫn ra sông Hoài). Đây là bức tường của một ngôi nhà cổ, sở hữu những mảng màu loang lổ bị xuống cấp bởi thời gian; nhưng đồng thời cũng là điều làm nên sự đặc biệt của nơi đây.
Giàn hoa giấy

Hoa giấy không chỉ Hội An mới có nhưng hình ảnh hoa giấy hồng rực trên mảng tường vàng xưa thì có lẽ chỉ thị trấn cổ bên sông Hoài này mới có. Kết hợp thêm ánh nắng nhẹ, khung cửa sổ gỗ, và một chiếc xích lô bình dị là bạn đã có khung cảnh tuyệt vời nhất rồi đấy.
Sông Hoài
Nằm ngay trung tâm phố cổ chính là sông Hoài. Nếu là một cư dân thành phố thì đây là cơ hội để bạn thử ngồi trên chiếc ghe bầu, rẽ nước lướt qua những lớp nhà cổ xưa với mái ngói, tường vôi vàng đặc trưng của Hội An.

Sông Hoài mỗi thời điểm đều có một vẻ đẹp riêng; thế nhưng đẹp nhất để dạo thuyền trên sông có lẽ là lúc chập choạng tối. Lúc này, phố lên đèn, bên bến sông là những ngọn đèn hoa đăng trôi lững lờ, tạo nên một khung cảnh lung linh, huyền ảo.
Ẩm thực Hội An có gì hấp dẫn
Đã là một vùng đất giao thoa về văn hóa thì ẩm thực chắc chắn cũng phải đa dạng không kém. Không mấy ai có thể kìm lòng trước một danh sách dài những món ăn không thể bỏ qua khi đến Hội An.
Cao lầu
Là món ăn minh chứng cho nền ẩm thực đa dạng của Hội An, cao lầu có sợi mì to như mì soba Nhật; thịt kiểu xá xíu Trung Hoa; ăn kèm với rau sống, bánh phồng kiểu Việt.

Địa chỉ ăn ngon:
Cao lầu Thanh: 26 Thái Phiên
Quán Không Gian Xanh: 687 Hai Bà Trung
Cao lầu Liên: 9 Thái Phiên
Hến xào – Bánh đập
Bánh đập là món bánh độc đáo, kết hợp giữa bánh tráng khô và ướt. Khi ăn thì phải đập nhẹ để hai loại bánh dính vào nhau. Bánh đập dân dã nhất là chấm mắm, đôi chỗ sẽ ăn kèm cùng hến xào cho thêm phần đa dạng.

Địa chỉ ăn ngon:
Quán Bà Già: Thôn 1, xã Cẩm Nam
Cơm gà
Cơm gà được xem như món đặc sản nức tiếng mà không bí kíp du lịch Hội An tự túc nào có thể bỏ qua. Cơm dẻo được nấu với nước dùng gà và nghệ cho lên màu vàng ươm. Gà luộc trộn gỏi, thêm chút hành tây, đu đủ bào sợi, rau thơm, cùng nước mắm chua ngọt cho đậm đà.

Địa chỉ ăn ngon:
Cơm gà Bà Buội: 26 Phan Châu Trinh
Cơm gà Xí: 47/2 Trần Hưng Đạo
Cơm gà Ty: 25-27 Phan Châu Trinh
Bánh xèo – Nem lụi
Là một tỉnh miền Trung, bánh xèo Hội An là kiểu bánh nhỏ, giòn rụm với đầy ắp thịt, tôm, mực. Một số nơi còn đặc biệt phục vụ bánh xèo với nem lụi, làm nên một phiên bản hấp dẫn khác cho món ăn quen thuộc.

Địa chỉ ăn ngon:
Giếng Bá Lễ: 45/51 Trần Hưng Đạo
Bánh bao – Bánh vạc
Là hai loại bánh hấp làm từ bột gạo, bánh bao có nhân thịt, nấm mèo; còn bánh vạc là nhân tôm giã nhuyễn. Món bánh dân dã được dọn kèm cùng chút hành phi, ăn với nước mắm ớt chua ngọt.

Địa chỉ ăn ngon:
Quán Hoa Hồng Trắng: 533 Hai Bà Trưng
Bánh mì
Tuy không phải là một món đặc sản nhưng bánh mì lại là món bất kỳ du khách nào cũng phải thử khi đến Hội An.

Là món ăn “quốc dân” của Việt Nam, bánh mì Hội An vẫn rất được săn đón trong mọi kinh nghiệm du lịch Hội An tự túc được chia sẻ. Một ổ bánh mì “đầy ụ” với xá xíu, thịt nướng, chả lụa, pate và sốt bơ tự làm, đồ chua… sẽ đủ sức quyến rũ rất kỳ ai, dù bạn có là một tín đồ của món ăn này hay không.
Địa chỉ ăn ngon:
Bánh mì Phượng: 2B Phan Chu Trinh
Bánh mì Madam Khánh: 115 Trần Cao Vân
Thịt xiên nướng
Nếu bạn hỏi Hội An có món ăn vặt gì thì câu trả lời chính là thịt xiên nướng. Sau một buổi chiều dạo phố cổ, hãy dừng chân bên bờ sông Hoài, thưởng thức món thịt nướng than hoa, ăn kèm với đu đủ chua giòn giòn, và nước sốt đặc trưng riêng của mỗi hàng quán.

Địa chỉ ăn ngon:
Quán Anh: 132 Nguyễn Thái Học
Quán Bà Hường – Thịt nướng bánh ướt: Ngã ba Trần Phú – Tiểu La, P. Minh An
Thịt xiên nướng Phố Cổ: Đầu đường Bạch Đằng, gần cầu đi bộ qua sông
Những món ăn vặt
Dạo quanh các con phố ở Hội An, không khó để bạn tìm được các hàng quán ăn vặt để “nạp năng lượng” cho chuyến khám phá của mình. Đó có thể là chè, tàu hũ, bánh xoài, hay một ly nước thảo mộc mát lạnh cho một buổi trưa nóng bức.
Các quán cà phê đẹp ở Hội An
Sau khi ăn uống “phủ phê”, đừng bỏ qua trải nghiệm thưởng thức không gian bình yên của phố cổ trong một quán cà phê cũng đậm chất hoài cổ.
- Reaching Out Tea House: 131 Trần Phú
- Hội An Roastery: 135 Trần Phú
- Cocobana: 16 Nguyễn Thái Học
- Chu Chu: 74 Trần Phú
- Cocobox: 94 Lê Lợi
- Mót Hội An: Quán vỉa hè 150 Trần Phú
- The Chef: 166 Trần Phú
Kinh nghiệm du lịch Hội An cần nhớ

- Hội An buổi sáng đặc biệt bình yên và tĩnh lặng, chỉ có những người dân địa phương chuẩn bị hoạt động ngày mới của mình. Đừng ngại dậy sớm để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của phố cổ nhé.
- Hội An đẹp nhất là vào dịp rằm hay Lễ tết truyền thống nên cũng rất đông đúc du khách vào thời gian nay. Tốt nhất là bạn nên đặt trước khách sạn tại Hội An để sẵn sàng nhất cho chuyến đi.
- Các mặt hàng thường được du khách mua làm kỉ niệm ở Hội An là lồng đèn, hàng thủ công mỹ nghệ, hoặc các dịch vụ may đo ở phố cổ. Riêng với quần áo đặt may, bạn nên trừ hao thời gian sửa chữa để có được bộ quần áo hài lòng nhất.
- Tuy thời tiết Hội An không quá khắc nghiệt như thành phố dễ chịu ảnh hưởng bởi bão lụt. Cần chú ý xem dự báo thời tiết nếu không muốn du lịch vào thời gian này.
Trên đây là những thông tin liên quan đến phố cổ hội an và những kinh nghiệm trải nghiệm tại phố cổ hội an do dvt.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm những thông tin cần thiết cho chuyến du lịch sắp tới của bạn nhé!
- Top 20 Công ty Sản xuất, Phân phối, Kinh doanh Thiết Bị Y Tế chất lượng
- Những Câu Nói Hay về Hoàng Hôn Ý nghĩa đầy sâu lắng và ý nghĩa
- + 499 Captions Hay về Những Cô Gái Mộng Mơ được yêu thích nhất
- NSƯT Quốc Khánh là ai? Tiểu sử, sự nghiệp và hành trình 44 năm cống hiến trước khi về hưu
- Nhà Văn Toni Morrison – Tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp