Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với số ca mắc 3000 – 4000 ca mỗi ngày như hiện nay, người dân không nên quá hoảng loạn hay lo lắng.
PGS Phu cho rằng chấp nhận trạng thái bình thường mới và thích ứng an toàn thì chúng ta phải chấp nhận ca cộng đồng, tất nhiên dịch phải được kiểm soát không để bùng phát mạnh, gây quá tải hệ thống y tế.
Nhiều nước trên thế giới không quá quan trọng số ca dương tính mỗi ngày, mà họ ưu tiên kiểm soát số ca ở ngưỡng không để hệ thống y tế quá tải. Để giảm tải cho cơ sở y tế thì tỷ lệ người nhập viện và tử vong mỗi ngày phải được kiểm soát tốt.
PGS Phu cũng nhấn mạnh Nghị quyết 128 cũng đặt ra tiêu chí rất rõ, khống chế ca bệnh ở ngưỡng thấp; tăng tỷ lệ phủ vaccine cao nhất và nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống y tế sao cho không quá tải.
"Do đó, tôi thấy chúng ta đang đi đúng hướng và làm rất tốt. Tất nhiên không phải nói hơn 3.000 đến 4.000 ca mắc mỗi ngày là chúng ta buông xuôi, mà phải tiếp tục giảm số người mắc tới mức thấp nhất có thể, chứ không thể 'Zero COVID-19' được", PGS Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Cùng quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho biết trong cộng đồng vẫn có nguồn lây, chỉ cần số ca mắc không quá cao và gây quá tải cho hệ thống y tế là được. Đây là điều kiện không riêng gì Việt Nam mà tất cả quốc gia đều muốn đạt được.
Ở Việt Nam, PGS Dũng cho rằng chúng ta nằm trong khoảng cấp độ dịch như sau: cấp độ lây truyền ở mức 3, cấp độ dịch trong cộng đồng ở mức 2. Nếu người dần duy trì các biện pháp phòng chống dịch, không chủ quan thì tỷ lệ mắc mới sẽ giảm trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc các tỉnh thành ghi nhận ca mắc không có nguồn lây là điều bình thường, PGS Dũng nói. Trước kia, đa số các trường hợp có lây lan qua tiếp xúc gần, lúc đó phải có tiếp xúc, có dịch tễ, lây qua giọt bắn. Nhưng đến thời điểm hiện tại, người ta đã ghi nhận virus lây qua khí dung, chỉ cần ở không gian nào đó, không hề tiếp xúc trực tiếp với F0 vẫn có thể nhiễm, đây là hiện tượng không phát hiện được nguồn lây.
Đó là lý do tại sao các quốc gia khác như Singapore đến bây giờ vẫn không thể truy tìm nguồn lây mà chấp nhận sống chung. Cũng như TP.HCM, lúc đầu tiến hành truy vết nhưng sau không truy vết được nữa nên chấp nhận sống chung.
Ngoài ra, các y văn quốc tế cho biết nguồn lây có thể từ trẻ em. Trẻ em có bệnh không có triệu chứng nhưng vẫn có thẻ lây từ người này sang người khác. Khi truy vết, thường chúng ta không quan tâm tới đối tượng này.
Mọi người không nên quá quan tâm tới việc có bao nhiêu ca mỗi ngày hoặc tại sao người tiêm đủ vaccine Covid-19 rồi mà vẫn mắc bệnh. Bởi chưa ai dám khẳng định tiêm đủ vaccine là không nhiễm SARS-CoV-2. Mặt khác, chúng ta đang từng bước triển khai thích ứng an toàn và bình thường mới.